Thông tin chung và đặc điểm Khu BTTN Pù Luông

Đăng lúc: 10:44:30 28/06/2018 (GMT+7)

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông được thành lập theo Quyết định 742/QĐ-UB ngày 24/4/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá...

1. Đặc điểm tình hình chung

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông được thành lập theo Quyết định 742/QĐ-UB ngày 24/4/1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá. Diện tích được giao quản lý và sử dụng theo Quyết định số 495/QĐ-UB ngày 27/3/1999 của UBND tỉnh Thanh Hóa là 17.660 ha. Sau khi rà soát bổ sung và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho Khu BTTN Pù Luông theo Quyết định số 3001/QĐ-UB ngày 08/11/2001 của UBND tỉnh là 16.982,6 ha. Đến năm 2021 thực hiện dự án quy hoạch điều chỉnh bổ sung, diện tích hiện nay của Khu BTTN Pù Luông theo Quyết định 3392/QĐ-UBND ngày 31/8/2021 về việc phê duyệt Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, giai đoạn 2021 - 2030 là: 16.986,16 ha (trong đó gồm 3 phân khu chức năng là: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm 12.561,60 ha; phân khu phục hồi sinh thái chiếm 4.300,4 ha và Phân khu hành chính dịch vụ chiếm 216,03 ha và  đất khác 93,0 ha.

        183347_182878961847690_2000905355_n.jpg

Khu BTTN Pù Luông chiếm vị trí quan trọng ở phía Tây Bắc của dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương, là một mẫu quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái núi đá vôi, là khu vực đất thấp lớn còn lại duy nhất ở miền Bắc Việt Nam. Theo kết quả điều tra lập danh lục hệ động thực vật năm 2013 đã ghi nhận tại Khu bảo tồn hiện có 2.487 loài thuộc 476 họ và 1.329 chi, gồm có 908 động vật; 1.579 loài thực vật, trong đó có 409 loài động thực vật trong sách đỏ Việt Nam, sách đỏ Thế giới như Sơn Dương, Voọc Mông trắng, Trăn hoa, Gấu ngựa… thực vật có các loài như thông Pà Cò, Thông Đỏ Bắc, Nghiến, Lan Hài…

Lan hai-compressed.jpg

            Lan hài 

Thong Pa Co1-compressed.jpg

Thông Pà cò

         Khu bảo tồn còn là khu vực phòng hộ lưu vực phía đông sông Mã, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững vùng quy hoạch Khu bảo tồn và vùng hạ lưu của tỉnh Thanh Hóa.
                 

Qua hơn 22 năm xây dựng và phát triển, với sự chỉ đạo của các cơ quan ban ngành đặc biệt là Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa. Ban quản lý Khu BTTN Pù Luông đã triển khai thực hiện có hiệu quả 6 chương trình cơ bản là: Bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế vùng đệm, du lịch sinh thái và phục hồi sinh thái và xây dựng cơ bản. Cộng đồng các thôn, bản trong vùng lõi và vùng đệm Khu bảo tồn, nhận thức của người dân địa phương ngày một nâng cao, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về luật bảo vệ và phát triển rừng đã được tuyên truyền đến cộng đồng và thực hiện có hiệu quả. Hàng năm đơn vị luôn triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, BTTN, góp phần nâng cao đời sống dân sinh kinh tế - xã hội cho người dân sống trong vùng lõi và vùng đệm Khu bảo tồn; lôi kéo cộng đồng cùng tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện nhiều chương trình, dự án nghiên cứu khoa học thiết thực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, chính quyền địa phương về đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Mở nhiều lớp tập huấn về lập kế hoạch và phát triển thôn bản, tập huấn về các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; nhiều chương trình phát triển dân sinh kinh tế được đầu tư như các mô hình trồng rừng, mô hình trồng mây nếp, mô hình trồng lúa lai, mô hình ngô lai, mô hình trồng lạc, mô hình nuôi bò, mô hình nuôi lợn, mô hình nuôi gà rừng, mô hình nuôi hươu sao… với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống, nhận thức cho người dân sống trong và vùng ven rừng để họ hiểu về giá trị và vai trò của rừng và cùng tham gia bảo vệ rừng. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn từng bước được đào tạo, sắp xếp phù hợp với chuyên môn, hoạt động BTTN được nâng cao, chuyển biến và phát triển theo hướng bền vững.
         Ph_i h_p Tu_n TR-compressed.jpg

Kiểm lâm KBTTN Pù Luông phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra an ninh rừng.

         Khu BTTN Pù Luông hiện nay được đánh giá là nơi có sự đa dạng cao về hệ động thực vật, Khu bảo tồn có 2 hệ sinh thái chính là: hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái núi đất trên đá Bazan và được chia làm 5 kiểu rừng chính là rừng cây lá rộng đất thấp trên núi đá vôi, rừng cây lá rộng đất thấp trên đá phiến và đá cát, rừng cây lá rộng núi thấp trên núi đá vôi, rừng cây lá kim núi thấp trên đá vôi và rừng cây lá rộng núi thấp trên đá Bazan.

  Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân sinh sống trong vùng đệm, vùng lõi của Khu bảo tồn và chính quyền địa phương các cấp tích cực tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời thu hút được sự đầu tư, tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ nâng cao đời sống cho cộng đồng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng địa phương. Từ đó đã tạo ra sự đồng thuận trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn.

          Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng từ trung ương đến địa phương trong công tác BTTN, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương đã góp một phần lớn vào công tác bảo vệ rừng nói chung và công tác bảo tồn thiên nhiên nói riêng; thêm vào đó đội ngũ cán bộ cán bộ công tác trong đơn vị chủ yếu là trẻ, khỏe nhiệt tình trong công việc được giao.